Tin tức - Sự kiện

Đôi dòng chia sẻ của anh An Nhiên (thành viên DOP)

Nhưng lúc vượt qua những khó khăn như vậy, có ai nghĩ ngợi gì đâu, chỉ biết cùng nhau cố gắng vượt qua. Nhiều lúc nghĩ lại, thấy sao mà liều quá….

 

Có những buổi trò chuyện sẽ dẫn ta khám phá ra những ngóc ngách của cuộc sống, nơi mà ánh mắt ta đảo qua mỗi ngày, nhưng chúng ta lại chưa bao giờ dừng lại đủ 3 giây để suy ngẫm về nó.
Hẹn gặp anh , nghe tên thôi cũng đủ thấy toát lên một nét nhẹ nhàng thanh thản – An Nhiên – tại một quán cà phê chiều thứ sáu.

– Anh có thể cho em biết lịch sử hình thành của DOP được không ?

– Nhớ cái hồi mà còn là sinh viên, lúc ấy là đội viên của đội CTXH trường Đại học Văn Lang. Anh nhớ nhất những chuyến đi từ thiện hay những chương trình văn nghệ của đội tổ chức cho các em ở vùng sâu vùng xa. Tham gia riết nên thành ra quen và rồi trở thành một điều gì đó không thể thiếu trong anh vậy. À, mà vùng sâu vùng xa là phải xa thật xa nha, nơi mà xe lớn không thể đến được ấy. Chỉ có thể dùng “căng hải” đi thôi nha.
Riết rồi dần dần anh em trong đội chơi thân với nhau, mãi cho đến lúc ra trường. Vòng xoay của cơm, áo gạo, tiền khiến cho anh em ai cũng tất bật với cuộc sống của riêng mình. Nhưng nãy anh có nói, những chuyến đi công tác xã hội trở thành một thói quen. Mà đã quen rồi mà kêu ngưng thì cảm thấy nó thiếu dữ lắm. Thế là các anh chị quyết định lập thành Hội cựu Đội viên CTXH trường Đại học Văn Lang, đây là nơi mà dành cho các cựu đội viên của đội CTXH vẫn muốn tiếp tục tổ chức những chuyến công tác xã hội, mang thêm nhiều niềm vui đến với mọi người.
Ấy vậy mà cũng trải qua được 5 mùa “Thư gửi chị Hằng” rồi đó. Tuy nhiên, những thành viên của hội cũng đã là những anh chị đã đi làm, họ cũng phải quan tâm đến những vấn đề khác nên không thể nào lo mãi được. Bên cạnh đó, nhiều thành viên cũng muốn có thêm nhiều bạn trẻ cùng chung chí hướng đến tham gia với Hội. Nhưng em thấy đấy, tên hội có chút gò bó khi chỉ dành cho sinh viên trường đại học Văn Lang. Thế là mọi người quyết định lấy tên là DOP – Dreams of the Poor. Và lúc này đây, DOP cũng chỉ như một tờ giấy trắng, chưa có gì cả, và mọi người dần dần ghi những dòng chữ đầu tiên lên trang giấy ấy. Từ việc phân ban, tìm kiếm nhân lực, rồi bắt đầu chạy những chương trình đầu tiên cho DOP. Lúc ấy thật sự rất khó khăn. Nhưng mà anh thích thế. Đã thích rồi thì sẽ chấp nhận đương đầu với khó khăn.

– Vậy Sứ mệnh cũng như mục tiêu của DOP là gì?

– #DOP ra đời với một sứ mệnh là hoạt động vì người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động xã hội thiết thực. Còn đối với mục tiêu của DOP thì cũng khá nhiều đấy, nhưng nói ngắn gọn là nhằm nâng cao năng lực cho người nghèo và những người yếu thế trong xã hội. Góp phần thay đổi tích cực về nhận thức, hành vi cộng đồng.

– Anh có thể chia sẻ thêm cho mọi người về những kỉ niệm mà anh nhớ nhất sau mỗi chuyến đi không ?

— Nhớ nhất đó hả ? Nhiều lắm, kể không hết đâu. Trong một đợt chương trình văn nghệ cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, hôm ấy chương trình sắp diễn ra, trời thì vừa đổ cơn mưa rất to, điện không xài được, mà muốn có điện thì phải leo lên mái nhà để sửa lại. Lúc đó mọi người không biết làm thế nào. Vậy đó, mà anh Quân, một mình ảnh leo lên mái nhà để sửa điện. Trời ơi, trên người không hề có vật gì cách điện hết, cứ vậy mà sửa lại dây điện. Mọi người ai đứng ở dưới cũng lo lắng với thấp thỏm hết. Nhưng rồi ông trời cũng thương, điện sửa được, chương trình diễn ra một cách tốt đẹp. Nhìn nụ cười của những em nhỏ lúc ấy, mọi lo lắng lúc nãy đều tan biến hết.
Hay như vừa rồi, trong một đợt đi cứu trợ, thì khu đó không thể nào cho xe lớn đi qua được. Chỉ duy nhất có con suối, cũng không có thuyền để qua. Thế là mọi người quyết định lội qua con suối đó, giăng hai đầu dây ở hai bên, rồi vịn vào nó mà đi qua, cùng với những món đồ cứu trợ. Mà nước thì chảy xiết lắm. Mọi người chỉ biết cố gắng cùng nhau vượt qua con suối với những món đồ cứu trợ. Sau đó mọi người ngồi lại với nhau, ai cũng cảm thấy mình khá là liều. Nhưng lúc vượt qua những khó khăn như vậy, có ai nghĩ ngợi gì đâu, chỉ biết cùng nhau cố gắng vượt qua. Nhiều lúc nghĩ lại, thấy sao mà liều quá.

– Anh có thể cho em biết sau mỗi chuyến đi, anh có cảm giác hay có những suy nghĩ như thế nào không ạ? “

– Sau mỗi chuyến đi, Thật sự thì đến mỗi nơi, cảm xúc nó cũng sẽ khác. Nhưng suy nghĩ thì lại giống nhau. Đó đều là muốn đóng góp thêm thật nhiều cho đời, cho cuộc sống này. Mỗi một người chỉ cần đóng góp một ít, gom lại nhiều người thì sẽ được nhiều. Cũng như câu nói “ một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

– Thế anh nghĩ sao về câu nói “ Đừng cho con cá mà hãy cho cần câu” ?”

– Theo anh nghĩ, đó là do cách mà chúng ta trao đến tay người khác. Chẳng hạn như, trong một đoàn cứu trợ đến một vùng vừa bị lũ lụt, bên cạnh những món đồ cứu trợ, còn có những phần quà dành cho các em nhỏ tại đây. Các em nhỏ chắc chắn sẽ rất thích và mong muốn mình cũng sẽ có quà. Vậy là trong đoàn có 2 nhóm, Một nhóm sẽ đem quà cho thẳng các em vì không muốn phiến phức và rườm rà, đó chính là con cá. Nhóm còn lại sẽ bảo với các em rằng nếu muốn có quà thì phụ mọi người mang quà vào. Khi các em có lao động, các em sẽ nhận được quà. Đó là đưa cần câu.
Và mục đích của DOP cũng như vậy. DOP lập ra dự án “ Người đỡ đầu”, là mong muốn giúp các em có một tương lai mới hơn. “ Người đỡ đầu” sẽ là cây gậy, đế các em có thể dùng nó bước đi những bước đi đầu tiên trong tương lai. Nhưng để có thể tham gia vào DOP, lại dựa vào chính sức của các em, thông qua những những nỗ lực trong học tập của các em.

– Anh có thể cho em biết điều mà anh mong muốn nhất là gì ?

– Như anh đã nói, những chuyến đi của bọn anh, là phải thật xa, nơi mà xe lớn khó có thể di chuyển, hay có lúc phải đi bộ mấy cây số mới đến được. Khi đến những nơi đó, em sẽ cảm thấy lạ lắm. Sự chào đón nồng nhiệt của người dân, những nụ cươi ngây thơ của những đứa trẻ, những buổi ngồi nói chuyện với nhau bên lửa trại, … tất cả đều rất đẹp. Nhưng lại chất chứa một điều gì đó làm anh suy nghĩ mãi. Anh nhớ khi mang những chiếc lồng đèn đến cho các em, các em vui lắm. Cứ ngắm mãi không thôi. Vì có giờ các em có biết lồng đèn là như thế nào đâu ? Các em được chơi đùa, được múa hát, được xem kịch, được giao lưu với nhau. Tiếng cười giòn tan hòa lẫn tiếng nhạc.
Những hình ảnh đó, luôn là ngọn lửa cứ thúc đẩy bọn anh, phải làm nhiều hơn nữa, phải cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc sống. Anh cũng mong không chỉ anh, mà những thế hệ sau này cũng sẽ tiếp tục mang đến nhiều điều hay hơn đến với các em, nhất là những em ở vùng sâu vùng xa, hay những em thật sự cần giúp đỡ.


Nguồn: https://www.facebook.com/dreamofthepoor